Loading map...

Thị trường bất động sản đầy biến động, doanh nghiệp 'sống' ra sao?

27/12/2019 15:11

Trước thực trạng thị trường đầy biến động, các dự án đồng loạt bị tắc nghẽn pháp lý, nguồn cung giảm sút... nhiều doanh nghiệp bất động sản phải gắng gượng bám trụ.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, các dự án nhà ở thương mại thường mất thời gian trên dưới 5 năm mới có sản phẩm đưa ra thị trường.

Năm 2019 được các chuyên gia đánh giá là một năm đầy khó khăn, biến động của thị trường bất động sản với nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thậm chí nguy cơ phá sản do không có sản phẩm cung ứng ra thị trường.

Một trong những nguyên nhân là do thủ tục hành chính và chủ trương kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép dự án mới, thời gian hoàn thành hồ sơ dự án bị tắc nghẽn. Trong khi đó, lãi suất vay vốn ngân hàng bị ràng buộc, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, các dự án nhà ở thương mại thường mất thời gian trên dưới 5 năm mới có sản phẩm đưa ra thị trường.

"Doanh nghiệp sẽ mất 3 năm để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng dự án; Mất khoảng 2 năm để lập các thủ tục đầu tư như: quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, quyết định chấp thuận đầu tư, công nhận chủ đầu tư; nộp tiền sử dụng đất để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Và sau đó, mất khoảng 3 năm để triển khai dự án, xây dựng các công trình trong dự án", ông Châu cho hay.

Theo ông Lê Hoàng Châu, trong giai đoạn này, chủ đầu tư phải chi phí rất lớn nhưng chưa có doanh thu, do chưa đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

. Hiện nay, các dự án nhà ở thương mại đã có quyết định công nhận chủ đầu tư, có quỹ đất sạch, được cấp giấy phép xây dựng (hoặc miễn giấy phép xây dựng) và hội đủ điều kiện khởi công công trình, theo quy định tại Khoản 1 Điều 107 Luật Xây dựng, nhưng các chủ đầu tư lại không được khởi công để chờ "Quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất". Điều này gây khó khăn lớn cho các chủ đầu tư dự án.

Do đó, HoREA đề nghị UBND TP.HCM cho phép chủ đầu tư dự án được khởi công xây dựng các công trình sau khi được cấp giấy phép xây dựng (hoặc miễn giấy phép xây dựng) và hội đủ điều kiện khởi công, theo tinh thần được ưu tiên áp dụng Luật chuyên ngành.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VnREA) cũng cho biết: “Có thời kỳ Hà Nội, TP.HCM “ngập” trong dự án, nhưng thời điểm này thì ngược lại vì rất thiếu nguồn cung. Tại Hà Nội, nguồn cung giảm tới 25% và TP.HCM giảm 50% so với cùng kỳ đầu năm 2018.

Điều đó dẫn đến giá chung cư tại TP.HCM tăng nhanh và có dấu hiệu đầu cơ ôm đất. Luật Đất đai đã lùi thời hạn sửa đổi, Luật Xây dựng đang thẩm định và một số luật khác tốc độ triển khai rất chậm. Một số thông tư lại gây khó khăn cho nhà đầu tư, điển hình là Thông tư 20 của Bộ Tài chính”.

Câu chuyện khó khăn của doanh nghiệp địa ốc được nhắc đến nhiều ở giai đoạn này. Bản thân các doanh nghiệp đang chờ những tháo gỡ, hỗ trợ từ chính sách để có dự án ra thị trường. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có sẵn quỹ đất, dự án nhưng để đưa sản phẩm ra được thị trường còn phải vướng nhiều thứ.

Trong bối cảnh thị trường nhiều khó khăn và biến động, để bám trụ được, bản thân các doanh nghiệp phải gắng gượng để chủ động xoay xở.

Để tìm "lối thoát" khác trước việc quỹ đất tại TP.HCM khan hiếm, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã “mở rộng” địa bàn, tìm đến các vùng lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai để cải thiện việc thiếu hụt sản phẩm cung ứng ra thị trường.

Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện không chỉ các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ xoay xở để trụ vững trên thị trường mà ngay cả các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính mạnh cũng phải 'săn lùng' sản phẩm để tiếp tục nuôi quân, phát triển doanh nghiệp đường dài.

– Theo VTC