Loading map...

Bán biệt thự, nhà ở qua hình vẽ ở Bình Thuận

30/05/2019 08:31

Nhiều dự án chưa triển khai, mặt bằng còn đầy cây cỏ um tùm nhưng đã nhận đặt cọc, rao bán bằng những hình vẽ 3D long lanh.

Ngày 28-5, tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở TT&TT tỉnh Bình Thuận tổ chức, tình trạng các đại gia, doanh nghiệp địa ốc, bất động sản (BĐS) chưa đủ điều kiện kinh doanh nhưng vẫn rao bán sản phẩm tràn lan đã được đưa ra.

Về vấn đề này, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận trước đó đã có văn bản gửi các doanh nghiệp đang đầu tư dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh. Nội dung nhằm cảnh báo, chấn chỉnh việc quảng cáo, mua bán BĐS. Động thái này được đánh giá là rất kịp thời.

Đặt cọc giữ chỗ khi dự án vẫn là đất trống

Trước đó ông Xà Dương Thắng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, đã ký hàng loạt văn bản gửi các đại gia địa ốc, BĐS đang đầu tư dự án về nhà ở, biệt thự trong toàn tỉnh.

Theo các văn bản này, hiện nay báo chí phản ánh nhiều về việc các chủ đầu tư và nhà phân phối thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng BĐS thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua. Trong khi các hình thức này không được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và các quy định pháp luật có liên quan.

Sở yêu cầu các doanh nghiệp không thực hiện hoặc ký kết hợp đồng với đơn vị môi giới BĐS để thực hiện giao dịch mua bán hoặc giữ chỗ, đặt chỗ; đăng các nội dung liên quan đến giao dịch BĐS của dự án khi chưa đủ điều kiện giao dịch. Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp sớm hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, xây dựng hoàn thiện hạ tầng, giấy phép xây dựng để đủ điều kiện đưa BĐS vào kinh doanh theo quy định.

Chúng tôi đã trực tiếp có mặt tại một số dự án mà Sở Xây dựng đã nhắc tới trong văn bản. Ghi nhận thực tế cho thấy những cảnh báo, chấn chỉnh trên là rất cần thiết. Đơn cử như tại dự án khu liên hợp hồ điều hòa trên đường Nguyễn Tất Thành, TP Phan Thiết của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Huy Hoàng đang thực hiện. Trước mắt chúng tôi toàn một màu xanh của cây cối, đất còn hoang hóa nhưng dự án này đã được rao bán, thậm chí đặt cọc giữ chỗ từ nhiều tháng trước. Một nguồn tin cho biết đã có 19 lô, mỗi lô hơn 200 m2 được rao bán với giá 40-45 triệu đồng/m2. Hàng chục khách hàng từ TP.HCM, Hà Nội, Phan Thiết đã đặt cọc 50-100 triệu đồng để giữ chỗ.

Một dự án khác cũng nằm trên địa bàn TP Phan Thiết, cặp theo đường 706B hướng về Mũi Né. Đây là dự án khá lớn của Công ty Cổ phần Đầu tư BĐS Hưng Lộc Phát với tên gọi Mũi Né Sumerland Resort. Dự án này có diện tích hơn 31 ha, được quảng cáo rầm rộ với rất nhiều hình ảnh 3D bắt mắt. Các thông tin truyền thông cho biết trong tháng 5-2019 sẽ khởi công công viên nước trong nhà đầu tiên tại Việt Nam với diện tích 12.000 m2. Thế nhưng ghi nhận trong ngày 28-5, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống rộng lớn, cỏ cây um tùm. Bên trong cổng dự án có một chiếc xe xúc loại nhỏ và một xe ben, ngoài ra không có hoạt động nào.

Các dự án vẫn còn là đất trống, cỏ cây um tùm nhưng đã cho khách hàng đặt cọc giữ chỗ. Ảnh: P.NAM

Địa phương vào cuộc quyết liệt

Tại thị xã La Gi, dự án lấn biển tạo khu dân cư thương mại - dịch vụ mới La Gi (Queen Pearl Marina Complex Bình Thuận) được quảng cáo là cung ứng gần 400 căn nhà phố diện tích 80-200 m2 với hàng loạt tiện ích đi kèm. Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vinam là chủ đầu tư.

Trước đó, UBND thị xã La Gi đã có công văn chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND phường Phước Lộc phối hợp xác minh, làm rõ các thông tin liên quan đến việc rao bán đất nền tại dự án này, đồng thời kiểm tra thủ tục, tiến độ thực hiện dự án. Mới đây, sau khi làm việc với Vinam, thị xã La Gi lại tiếp tục có thông báo khẩn, yêu cầu công ty khẩn trương thực hiện hoàn tất thủ tục gia hạn giấy phép xây dựng; đấu nối giao thông. Đặc biệt, tạm ngừng thi công san lấp mặt bằng…, dừng ngay việc huy động vốn (nếu có), đồng thời có văn bản cam kết về nội dung này.


Trao đổi với chúng tôi, ông Xà Dương Thắng cho biết nếu các dự án địa ốc chưa đủ điều kiện kinh doanh nhưng vẫn ký hợp đồng đầu tư với khách hàng thì có thể bị chế tài theo Luật Nhà ở. “Tuy nhiên, đối với các thỏa thuận dân sự khác thì khó có thể áp dụng các biện pháp chế tài. Do đó, Sở đã gửi văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật” - ông Thắng nhấn mạnh.

Hình thức hợp đồng đặt cọc giữ chỗ để được mua nhà ở hình thành trong tương lai không được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và các quy định của pháp luật có liên quan.

Luật Kinh doanh BĐS cấm hành vi kinh doanh BĐS không đủ điều kiện theo quy định và huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động không đúng mục đích theo cam kết. Hợp đồng huy động vốn không đúng với quy định sẽ không được pháp luật công nhận.

– Theo PLO

Từ khóa: