Loading map...

Những 'cơn lốc' sắp thổi giá nhà tăng vù vù

14/03/2019 14:00

Lãi suất dành cho người dân có nhu cầu vay để mua nhà, xây, sửa nhà đang có xu hướng tăng lên, phổ biến là 11-12,5%/năm.

Khan hiếm nguồn cung dự án mới, lãi suất cho vay mua nhà rục rịch tăng, hay dự thảo về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 trên địa bàn TP.HCM được đề xuất tăng từ 19-30% so với năm 2018 (năm 2018 tăng 5-8,33%)… chính là những nguyên nhân quan trọng khiến giá nhà ở tại TP có xu hướng “bay” cao.

Năm ngoái, thị trường địa ốc TP.HCM đã chứng kiến sự giảm sút nguồn cung ở tất cả các phân khúc. Căn hộ giá trên dưới 1 tỉ đồng dường như trên thị trường TP đã gần như cạn kiệt. Hiếm hoi lắm mới xuất hiện một dự án có giá từ 1,5 -2tỉ đồng/căn. Một số ít ỏi dự án sắp mở bán trong thời gian tới là Safira (Khang Điền), VinCity quận 9, dự án Hausbelo, The Palace Residence…

Giá nhà đất 2019 dự báo tăng nhẹ.

Khảo sát giá tại một số dự án đã đi vào hoạt động như Sky 9 (quận 9) cho thấy chỉ trong vòng 1 năm qua giá căn hộ tại đây đã tăng trung bình khoảng 400 triệu đồng/căn. Từ mức giá gốc khoảng 1,15 tỷ/căn rộng 62m2 thì hiện giá những căn này đã lên khoảng 1,55 tỷ/căn. Hay như tại dự án Lavita Charm vẫn đang trong giai đoạn xây dựng nhưng lợi nhuận khi sang nhượng lại thời điểm này ít nhất cũng đạt 100 triệu/căn.

Bên cạnh việc khan hiếm về nguồn cung mới, quỹ đất ở khu vực nội thành ngày càng teo tóp thì lãi suất vay khó thể đứng yên. Dự báo lãi suất cho vay mua nhà năm 2019 vừa được Ngân hàng HSBC Việt Nam đưa ra cho thấy lạm phát 2 tháng đầu năm đã tăng 2,64%. Việc điều chỉnh giá điện trong tháng 3 này cũng sẽ tác động đáng kể đến lạm phát trong những tháng tiếp theo.

"Lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt là kỳ hạn dài. Trên các cơ sở này, lãi suất cho vay mua nhà trong năm nay có khả năng sẽ tăng nhẹ so với năm trước", ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC nhận định.
Khách hàng tìm mua những dự án vừa túi tiền khá khó khăn.

Khảo sát cho thấy, lãi suất dành cho người dân có nhu cầu vay để mua nhà, xây, sửa nhà đang có xu hướng tăng lên, phổ biến là 11-12,5%/năm.

Trong khi đó, kể từ đầu năm nay, chủ trương của cơ quan quản lý nhà nước là sẽ hướng nguồn vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nên lượng vốn cho ngành bất động sản cũng sẽ ít hơn.

Nguồn vốn tín dụng này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản mà cả những cá nhân vay mua nhà, đầu tư. Chính sách này nhằm thực hiện mục tiêu điều chỉnh thị trường BĐS nhưng điều nay cũng sẽ lại gây ảnh hưởng rất lớn đến người có nhu cầu mua nhà ở thực do tăng nặng áp lực trả nợ lãi vay.

Ngoài ra, dự báo việc tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 sẽ khiến giá nhà đất tăng vì các loại thuế phí người dân phải đóng cao hơn trước.
Người lao động có thu nhập thấp bị thu hẹp dần cơ hội sở hữu một căn nhà.

Cụ thể, tờ trình ngày 21-2 của UBND TP HCM về ban hành quy định về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) năm 2019, TP đã thống nhất với đề nghị của Liên Sở Tài chính - Tài nguyên Môi trường đề xuất tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 lên 0,4 lần so với năm 2018, trên cơ sở nhận định giá thị trường chuyển nhượng nhà đất hiện nay cao hơn gấp 4 đến 6 lần Bảng giá đất của thành phố và hệ số điều chỉnh giá đất đối với đất ở để tính bồi thường trên địa bàn thành phố hiện nay tính bình quân là 4,75. Tức là, theo dự thảo, hệ số được đề xuất tăng từ 19-30% so với năm 2018 (năm 2018 tăng 5-8,33%).

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP khẳng định mức tăng từ 19-30% so với năm 2018 là quá cao và chưa hợp lý. Hiệp hội đã đề xuất nên tiếp tục áp dụng mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 tương đương hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018.

Bởi nếu giá đất do nhà nước quy định ngang bằng giá thị trường thì thuế và phí sẽ tăng lên rất nhiều, làm cho nhà đất tăng giá đột biến.

Với hàng loạt yếu tố kể trên, giá nhà trong năm 2019 khó có thể đứng yên. Trong khi đó giá nhà ở Việt Nam hiện đã ở quá cao, vượt khả năng chi trả của đại đa số người dân, những người lao động có mức thu nhập trung bình thấp trong toàn xã hội.

– Theo PLO

Từ khóa: