Loading map...

Lập lại trật tự, giải tỏa điểm đen

16/01/2019 10:06

 Cơ quan chức năng nhận định khu vực vườn rau Tân Bình không chỉ phức tạp về tình trạng xây dựng nhà ở trái phép mà còn tập trung nhiều đối tượng cờ bạc, ma túy...

Đến ngày 15-1, khu vườn rau Tân Bình (phường 6, quận Tân Bình, TP HCM) đã hoàn tất việc cưỡng chế tháo dỡ nhà xây dựng trái phép. UBND phường 6, quận Tân Bình cũng đã có thông báo về chủ trương đầu tư, khung chính sách hỗ trợ và đề nghị kê khai pháp lý, tình hình sử dụng đất.

Điểm nóng tệ nạn xã hội

Theo thống kê, khu đất này có 134 hộ nhưng hầu hết đều có nhà ở bên ngoài khu vực. Ban đầu, các hộ dân chỉ trồng rau nhưng sau đó thì xây dựng nhà trái phép. Trước khi cưỡng chế, cơ quan chức năng xác định có 110 chủ hộ xây 117 phòng cho thuê không phép và có 511 người ở trọ tại những căn phòng trọ này.

                                   
Khu vườn rau đã được tháo dỡ để xây dựng cụm trường học

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, trung tá Nguyễn Thành Lợi, Trưởng Công an quận Tân Bình, cho biết khu vực này không chỉ là điểm nóng về tình trạng xây dựng trái phép mà còn là nơi tập trung nhiều đối tượng hình sự, cờ bạc, ma túy; xúi giục người dân chống đối cơ quan chức năng, tổ chức khiếu kiện tập thể, gây phức tạp an ninh trật tự nhiều địa phương, không riêng gì quận Tân Bình. Trong lần cưỡng chế này, nhiều hộ dân đã chấp hành tốt nhưng vẫn còn một số đối tượng cầm đầu tìm mọi cách chống đối, cản trở. Khi lực lượng chức năng vào khu vực tống đạt quyết định, một số đối tượng ngăn cản, phường phải sử dụng nhiều biện pháp để thông báo đến người dân như phát loa, dán thông báo công khai nơi công cộng…

Cũng theo trung tá Lợi, từ năm 2015 đến nay, cơ quan chức năng đã nhiều lần truy quét trường gà ngay tại khu vườn rau, xử phạt hành chính cũng như xử lý hình sự trên 50 đối tượng liên quan đến sử dụng và mua bán ma túy.

"Nhiều người dân đồng tình việc xử lý của chính quyền, đánh giá đây là việc làm cần thiết để lập lại trật tự xây dựng và giải tỏa điểm đen phức tạp về an ninh trật tự. Hiện cơ quan chức năng của quận đang thu thập hồ sơ, xác minh về hành vi mua bán đất đai, xây dựng trái pháp luật tại khu vực này trong thời gian qua và cả hành vi chống người thi hành công vụ" - trung tá Lợi thông tin.

Xây dựng cụm trường học

Theo Kết luận thanh tra TP số 127 ngày 26-3-2008, khu đất có diện tích 6,8 ha, trong đó khoảng 4,08 ha có nguồn gốc do quốc gia Việt Nam đứng bộ, trước đây chính quyền Pháp thuộc sử dụng làm bãi ăng-ten cho đài phát tín, sau đó Nha Giám đốc Viễn thông quốc ngoại chế độ Sài Gòn quản lý sử dụng. Một phần diện tích còn lại khoảng 2,7 ha có nguồn gốc do ông Lê Phát Đạt làm chủ sử dụng từ năm 1900, sau đó ông Đạt tặng cho tổ chức từ thiện Pháp. Năm 1939, tổ chức này chuyển giao lại cho Hội đồng Quản trị Công giáo địa phận Sài Gòn đứng bộ, sau đó Nha Giám đốc Viễn thông quốc ngoại chế độ Sài Gòn quản lý sử dụng. Đến năm 1955, theo Công văn số S.P 55.011 ngày 17-2-1955 của Đại úy trưởng trạm phát tín Moinard cho phép những người cư trú giáp phía Tây khu đất được canh tác dưới cột ăng-ten vào ban ngày nhưng phải được sự đồng ý của Hội đồng Quản trị Công giáo Sài Gòn.

Sau ngày 30-4-1975, Trung tâm Viễn thông 3 - tổng cục Bưu điện tiếp quản, đến ngày 14-4-1977, nhà nước trực tiếp quản lý và giao cho Trung tâm Viễn thông 3 tiếp tục quản lý, sử dụng làm Đài Phát tín Chí Hòa.

Ngày 12-10-1991, Ban Quản lý ruộng đất TP ban hành Quyết định số 07/QĐ-ĐD công nhận quyền sử dụng đất và khu nhà điều hành cho Bưu điện TP HCM với diện tích 40.893 m2.

Thực tế Bưu điện TP HCM chỉ quản lý trực tiếp được khoảng 2 ha là đất chuyên dùng. Phần còn lại khoảng 2,08 ha, Bưu điện TP đã có quyết định của UBND TP công nhận quyền sử dụng đất nhưng không trực tiếp sử dụng được vì các hộ dân đang canh tác rau màu.

Riêng khoảng 2,7 ha Bưu điện TP chưa được cơ quan thẩm quyền công nhận quyền sử dụng đất và không trực tiếp quản lý sử dụng được mà các hộ dân vẫn canh tác rau màu cho đến nay.

Như vậy, tổng diện tích các hộ dân đang canh tác rau màu đan xen trên đất chuyên dùng là khoảng 4,8 ha. Đến năm 2001, UBND TP có quyết định giao 29.311 m2 đất cho Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng Sài Thành và 20.009 m2 cho Bưu điện TP để đầu tư xây dựng khu nhà ở cán bộ công nhân viên và công trình công cộng.

Do 2 đơn vị trên không đủ năng lực thực hiện dự án, ngày 25-4-2008, UBND TP ban hành Quyết định số 1824/QĐ-UBND thu hồi khu đất, giao cho UBND quận Tân Bình thực hiện dự án công trình công cộng và chung cư cao tầng phục vụ chương trình tái định cư của TP và quận.

Ngày 25-8-2013, UBND TP ban hành Quyết định số 4204/QĐ-UBND về điều chỉnh Quyết định số 1824/QĐ-UBND, thu hồi khu đất có diện tích 49.320 m2 giao cho UBND quận Tân Bình để tổ chức thực hiện việc hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng cụm trường học công lập theo tiêu chuẩn quốc gia.

  Chính sách hỗ trợ

Liên quan đến khung chính sách hỗ trợ, đối với đất nông nghiệp sẽ được áp dụng đơn giá 7.055.000 đồng/m2 để tính hỗ trợ đối với các trường hợp sử dụng đất tại đây theo ý kiến chấp thuận của UBND TP.

UBND quận Tân Bình cũng có chính sách hỗ trợ thêm, cụ thể với các trường hợp đang canh tác hoa màu bị ảnh hưởng bởi quá trình cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng, hỗ trợ chi phí tương đương doanh thu 3 tháng (từ 4-6 triệu đồng/tháng, điều kiện là người dân phải trực tiếp canh tác hoa màu và thời gian canh tác thực tế đến hết ngày 3-1-2019). Ngoài ra, quận sẽ tổ chức đào tạo chuyển đổi ngành nghề, kinh phí do quận chi trả. Với các trường hợp hoàn cảnh neo đơn, hộ nghèo, đặc biệt khó khăn, được tạo điều kiện vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội nếu có nhu cầu.




– Theo Báo NLĐ

Từ khóa: